Mụn nhọt ở đầu trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Mụn nhọt ở đầu trẻ em khi không được chăm sóc và điều trị đúng cách có thể dẫn đến viêm loét nghiêm trọng, biến chứng viêm màng não, nhiễm trùng huyết, thậm chí gây tử vong. Vậy nguyên nhân khiến trẻ nổi mụn nhọt ở đầu là gì? Trẻ nổi mụn nhọt ở đầu phải làm sao?

Mụn nhọt ở đầu trẻ em là gì

Mụn nhọt ở đầu trẻ em là gì?

Mụn nhọt ở đầu trẻ em là một dạng nhiễm trùng da ở vùng đầu của trẻ. Mụn nhỏ có thể nổi ở nhiều vị trí khác nhau ở vùng đầu, bao gồm da đầu và mặt. Mụn nhọt nổi ở da đầu thường vô tình phát hiện khi tắm gội cho trẻ; trẻ cảm thấy đau nhức khi chạm vào.

Nguyên nhân mụn nhọt ở trên đầu trẻ em

Thực tế, nguyên nhân gây nổi mụn nhọt ở đầu trẻ em là do nhiễm trùng, thường là nhiễm trùng vi khuẩn, đặc biệt là vi khuẩn Staphylococcus aureus (tụ cầu khuẩn). Một số trường hợp, nhiễm trùng gây mụn nhọt ở đầu trẻ có thể do các tác nhân khác như vi-rút, nấm. (1)

Tác nhân gây nhiễm trùng thường xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh, nổi nhọt ở trẻ khi các yếu tố vệ sinh, chăm sóc không được đảm bảo hay khi trẻ bị suy giảm miễn dịch. Ví dụ, khi trẻ có vết thương hở, bị trầy xước ở vùng đầu, vi khuẩn gây nhiễm trùng có thể dễ dàng xâm nhập và gây nổi mụn nhọt ở đầu của trẻ.

banner khai trương phòng khám đa khoa tâm anh quận 7 mb

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ nổi mụn nhọt ở đầu trẻ em:

1. Điều kiện môi trường sống

Môi trường sống ô nhiễm là một trong những nguyên nhân gây suy giảm miễn dịch, tăng nguy cơ mắc bệnh cho trẻ. Vi khuẩn, khói bụi có trong không khí ô nhiễm có thể bám vào da đầu, tóc gây tắc nghẽn nang lông, kích ứng da đầu dẫn đến nhiễm trùng, tạo thành mụn nhọt.

2. Vệ sinh cơ thể không đảm bảo

Vận động nhiều, thường xuyên đội mũ, thời tiết nóng bức sẽ khiến trẻ đổ nhiều mồ hôi ở vùng đầu. Khi không được vệ sinh thường xuyên và đúng cách, da đầu tích tụ bụi bẩn, dầu thừa và tế bào chết, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây mụn nhọt.

3. Các nguyên nhân khác

Trẻ có thể nổi mụn nhọt ở đầu do dùng các sản phẩm không phù hợp với da đầu của trẻ (dầu gội, sữa tắm, dầu dưỡng tóc…).

Mụn nhọt ở đầu có thể xảy ra ở bất kỳ trẻ nào
Mụn nhọt ở đầu có thể xảy ra ở bất kỳ trẻ nào.

Dấu hiệu mụn nhọt ở đầu trẻ em

Tương tự như những mụn nhọt khác, mụn nhọt ở đầu trẻ em xuất hiện ở dạng một nốt mụn nhỏ, sưng đỏ (có thể có màu nâu, tím hoặc xám ở trẻ da sẫm màu). Ban đầu trẻ có thể cảm thấy ngứa nhẹ và hơi đau nhức tại vị trí nổi mụn nhọt. Sao đó, mụn nhọt nhanh chóng gia tăng kích thước, chứa nhiều chất dịch mủ bên trong.

Vùng da xung quanh mụn nhọt đau và tấy đỏ. Sau vài ngày, mụn nhọt bắt đầu gom lại, xuất hiện một chấm trắng/vàng ở giữa mụn nhọt, vùng da sưng đỏ có xu hướng thu về phía trung tâm mụn nhọt. Nổi mụn nhọt ở đầu có thể gây nên một số triệu chứng đi kèm khác như sốt, mệt mỏi…

Mụn nhọt ở đầu trẻ em có nguy hiểm không?

Trẻ nổi mụn nhọt ở đầu thường không gây nguy hiểm, có thể tự thuyên giảm khi được chăm sóc đúng cách, dinh dưỡng đầy đủ, lành mạnh và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Nhưng nếu chủ quan trong chăm sóc và điều trị mụn nhọt ở đầu trẻ, vi khuẩn gây nhiễm trùng có thể lan rộng, xâm nhập vào sâu bên trong gây nhiễm trùng máu, viêm màng não, đe dọa tính mạng của trẻ. Vì vậy, trẻ nổi mụn nhọt ở đầu nên được đưa đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và tư vấn điều trị phù hợp.

Một số trường hợp trẻ có nguy cơ gặp phải biến chứng do mụn nhọt ở đầu, cần đến bệnh viện để được hỗ trợ ngay lập tức:

  • Mụn nhọt trên đầu bị vỡ gây sốt cao, buồn nôn, thậm chí hôn mê.
  • Mụn nhọt sưng to, gây đau nhức dữ dội, sốt cao.
  • Mụn nhọt ở đầu không có dấu hiệu gom mủ, sưng to kéo dài.
  • Trẻ nổi mụn nhỏ ở đầu khi đang mắc bệnh sởi, thủy đậu, vẩy nến.
Mụn nhọt ở đầu sưng to, khiến vùng da đầu biến dạng, tấy đỏ
Mụn nhọt ở đầu sưng to, khiến vùng da đầu biến dạng, tấy đỏ.

Chẩn đoán mụn nhọt trên đầu ở trẻ nhỏ

Bác sĩ có thể hỏi bố mẹ một số thông tin để hỗ trợ quá trình chẩn đoán như trẻ có tiền sử bệnh thế nào? Trẻ có những triệu chứng gì? Mụn nhọt được phát hiện khi nào? Loại sản phẩm đang sử dụng để vệ sinh, chăm sóc vùng đầu cho trẻ là gì? Dinh dưỡng hàng ngày của trẻ? Bên cạnh thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định một số cận lâm sàng như xét nghiệm dịch mủ bên trong mụn nhọt để xác định tác nhân gây nên tình trạng này.

Cách điều trị mụn nhọt ở đầu trẻ em làm sao?

Dựa vào kết quả thăm khám, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị, chăm sóc mụn nhọt ở đầu cho trẻ. Nếu mụn nhọt có kích thước nhỏ, không có dấu hiệu nghiêm trọng, bác sĩ sẽ hướng dẫn theo dõi và chăm sóc trẻ tại nhà đúng cách. Nhưng nếu mụn nhọt to, nguy hiểm, việc điều trị thường sẽ phức tạp hơn. (2)

1. Điều trị bằng thuốc

Thuốc được sử dụng trong điều trị mụn nhọt ở trẻ bao gồm thuốc chống lại tác nhân gây mụn nhọt và thuốc hỗ trợ điều trị triệu chứng. Trẻ nổi mụn nhọt do nhiễm trùng vi khuẩn, thuốc kháng sinh sẽ được kê toa với liều lượng phù hợp. Trẻ sốt cao, có thể hạ sốt cho trẻ bằng Acetaminophen hoặc Ibuprofen theo chỉ định của bác sĩ.

2. Phương pháp điều trị khác

Mụn nhọt có kích thước lớn, nguy cơ xuất hiện biến chứng, thủ thuật dẫn lưu mủ có thể được chỉ định. Phương pháp điều trị này được thực hiện nhanh chóng tại bệnh viện. Bác sĩ kê thuốc, hướng dẫn cách chăm sóc, vệ sinh cho trẻ tại nhà và hẹn ngày tái khám. Tuy nhiên, một số trẻ có thể phải ở lại bệnh viện một vài ngày để theo dõi.

*Lưu ý:

Trẻ nổi mụn nhọt, bố mẹ không nên tự ý điều trị cho trẻ bằng các phương pháp dân gian bởi những phương pháp này có thể khiến trẻ nhiễm trùng nặng hơn, tăng nguy cơ xuất hiện biến chứng. Tương tự, không điều trị bằng toa thuốc cũ bởi điều này có thể khiến trẻ kháng kháng sinh.

Điều trị mụn nhọt ở đầu trẻ em cần được thực hiện theo đúng phác đồ của bác sĩ nhằm ngăn ngừa biến chứng, tối ưu hiệu quả điều trị. Thuốc trị mụn nhọt cho trẻ cần sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý kết hợp hoặc ngừng thuốc khi chưa được bác sĩ đồng ý.

Trong quá trình chăm sóc trẻ sau điều trị mụn nhọt, trẻ cần được đưa trở lại bệnh viện để được bác sĩ hỗ trợ khi có dấu hiệu gặp tác dụng phụ của thuốc hoặc có các dấu hiệu như: vết mổ/mụn nhọt có dấu hiệu bị nhiễm trùng, cơn đau không thể kiểm soát bằng thuốc, sốt cao kéo dài…

Trẻ nổi mụn nhọt ở đầu nên được đưa đến bệnh viện
Trẻ nổi mụn nhọt ở đầu nên được đưa đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám.

Cách chăm sóc trẻ nổi mụn nhọt trên đầu

Dưới đây là một số cách chăm sóc trẻ nổi mụn nhọt ở đầu giúp trẻ nhanh khỏi và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm:

  • Trẻ em có tính tò mò, hiếu kỳ nên khi bị nổi mụn nhọt trên đầu, trẻ sẽ có xu hướng chú ý đến mụn nhọt nhiều hơn, thường xuyên sờ, nắn, bóp, nặn mụn nhọt. Bố mẹ nên khuyến cáo trẻ không tự ý nặn hoặc chạm vào mụn nhọt nhằm tránh để mụn nhọt bị vỡ, trầy xước dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng.
  • Tắm rửa, đảm bảo da đầu trẻ được vệ sinh sạch sẽ, khô thoáng. Đối với các sản phẩm chăm sóc da đầu, dầu gội, sữa tắm, dầu dưỡng tóc… dùng cho trẻ em cần có thành phần cụ thể, nguồn gốc rõ ràng. Tránh sử dụng các sản phẩm có thành phần gây kích ứng da đầu của trẻ.
  • Cho trẻ ăn uống đủ chất, cân bằng và lành mạnh, ưu tiên ăn những thực phẩm tốt cho da, bổ sung vitamin và khoáng chất như rau xanh và các loại trái cây tươi.
  • Khuyến khích trẻ uống nhiều nước nhằm cải thiện tuần hoàn, hỗ trợ miễn dịch, tăng tốc độ phục hồi da.
  • Mũ dùng cho trẻ cần được giặt giũ thường xuyên và phơi dưới ánh nắng mặt trời. Tương tự, chăn, ga, gối, nệm của trẻ cần được giặt và vệ sinh định kỳ.
  • Tránh đưa trẻ đến những khu vực nhiều khói bụi, ô nhiễm nhằm giữ cho da đầu của trẻ được sạch sẽ, thông thoáng.

Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc trẻ và những vấn đề về sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ tới khoa Nhi, bệnh viện đa khoa Tâm Anh theo địa chỉ:

Hy vọng với những thông tin trên, quý phụ huynh đã hiểu rõ hơn về mụn nhọt ở đầu trẻ em. Chăm sóc da đầu đúng cách, dinh dưỡng phù hợp sẽ góp phần giúp trẻ giảm nguy cơ nổi mụn nhọt ở đầu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *