Không nên điều trị mụn nhọt ở chân của trẻ nhỏ bằng các phương pháp dân gian như đắp lá, áp muối… bởi điều này có thể gây tổn thương, nhiễm trùng nghiêm trọng ở vùng da nổi mụn nhọt. Vậy trẻ nổi mụn nhọt ở chân phải làm sao?
Mụn nhọt ở chân trẻ nhỏ là gì?
Mụn nhọt ở chân trẻ nhỏ là một dạng nhiễm trùng ở vùng da chân hoặc viêm nang lông, tạo thành nốt mụn có kích thước lớn, sưng đau và chứa dịch mủ. Mụn nhọt có thể nổi ở bất kỳ vị trí nào ở chân, thường gặp ở những vùng có nhiều lông, ma sát nhiều hoặc không được vệ sinh sạch sẽ.
Nguyên nhân mụn nhọt ở chân trẻ nhỏ
Khi trẻ nổi mụn nhọt ở chân, nhiều bố mẹ cho rằng đó là do trẻ bị nóng trong người nên thường bỏ qua và điều trị bằng cách thay đổi thực đơn hàng ngày của trẻ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nguyên nhân cụ thể khiến trẻ nổi mụn nhọt ở chân là do nhiễm trùng. Vi khuẩn Staphylococcus aureus (tụ cầu khuẩn) là tác nhân gây nhiễm trùng thường gặp nhất. Ngoài ra, trẻ nổi mụn nhọt có thể do nhiễm trùng bởi một số loại vi khuẩn khác, virus hoặc do vi nấm. (1)
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ nổi mụn nhọt ở chân của trẻ em:
- Môi trường sống ô nhiễm: Môi trường ô nhiễm chứa nhiều bụi bẩn và vi sinh vật có hại có thể bám vào da chân và xâm nhập vào cơ thể qua các vết xước nhỏ. Hơn nữa, trẻ sống trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại sẽ khiến hệ miễn dịch suy giảm, tăng nguy cơ mắc bệnh về da.
- Vệ sinh kém: Vệ sinh da chân không đúng cách, mồ hôi, bã nhờn, bụi bẩn, tế bào chết có thể tích tụ trên da chân, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây bệnh cho trẻ. Ví dụ như trẻ mang mang giày dép ẩm ướt, bẩn; mặc quần áo, tất vớ không sạch sẽ; không rửa sạch chân sau khi chơi đùa ở những nơi như sân cát hay bùn đất; không được cắt tỉa móng chân gọn gàng.
- Dinh dưỡng không hợp lý: Trẻ ăn uống thiếu chất, thường xuyên ăn những thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ; chế độ ăn nhiều dầu mỡ và chất béo bão hòa thường sẽ khiến hệ miễn dịch bị suy giảm, tăng nguy cơ bị viêm và các vấn đề về da, bao gồm mụn nhọt.
- Trẻ có vết thương hở: Trẻ em thường xuyên chơi đùa, vận động mạnh, dễ bị trầy xước hoặc tổn thương nhỏ ở chân. Nếu không được vệ sinh và chăm sóc kịp thời, vi khuẩn có thể xâm nhập vào những vết thương này, gây nhiễm trùng, nổi mụn nhọt ở chân.
- Trẻ có bệnh nền: Nguy cơ nổi mụn nhọt ở chân sẽ cao hơn nếu trẻ mắc phải một số bệnh lý gây suy giảm miễn dịch, ảnh hưởng đến sức đề kháng của da như đái tháo đường, béo phì, bệnh chàm, vảy nến, lupus ban đỏ…
Dấu hiệu mụn nhọt ở chân trẻ nhỏ
Ban đầu, mụn nhọt ở chân có dạng một nốt mụn nhỏ, có màu đỏ hoặc trắng trên da chân. Trẻ có cảm giác ấm nóng, ngứa, châm chích, đau nhức ở vùng da nổi mụn nhọt; cơn đau nhức dữ dội hơn khi chạm vào. Sau một vài ngày, mụn nhọt ở chân sưng to hơn, có một hoặc một vài chấm màu trắng/vàng ở vùng trung tâm của mụn nhọt, chứa nhiều dịch mủ bên trong.

Mụn nhọt ở chân trẻ nhỏ có nguy hiểm không?
Mụn nhọt ở chân trẻ nhỏ thường không nguy hiểm. Nhưng trong một số trường hợp không được điều trị kịp thời và đúng cách, mụn nhọt tăng nhanh về kích thước tạo thành áp xe. Tình trạng này khiến trẻ đau nhức dữ dội, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, có thể gây nhiễm trùng huyết, đe dọa tính mạng.
Nếu mụn nhọt bị vỡ nhưng không được xử lý đúng cách có thể dẫn đến viêm loét nghiêm trọng. Vi khuẩn, tác nhân gây mụn nhọt có thể lây lan và gây bệnh ở những vùng da khác. Ngoài ra, nhiều trường hợp chủ quan trong điều trị mụn nhọt có thể để lại sẹo vĩnh viễn cho trẻ.
Chẩn đoán mụn nhọt ở chân trẻ nhỏ
Thông thường, mụn nhọt ở chân trẻ nhỏ sẽ được bác sĩ chẩn đoán qua thăm khám lâm sàng. Bác sĩ có thể yêu cầu bố mẹ cung cấp một số thông tin để hỗ trợ quá trình chẩn đoán cho trẻ như tiền sử bệnh, các triệu chứng đã xuất hiện, thời gian phát hiện mụn nhọt ở chân của trẻ hay mụn nhọt ở những vị trí khác (nếu có).
Tùy vào tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm một số cận lâm sàng liên quan để đánh giá mức độ tổn thương cũng như xác định nguyên nhân nổi mụn nhọt ở trẻ như xét nghiệm dịch mủ bên trong mụn nhọt.
Cách điều trị mụn nhọt ở chân trẻ nhỏ
Tùy từng trường hợp, độ tuổi, tiền sử bệnh, nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của mụn nhọt, bác sĩ sẽ tư vấn điều trị phù hợp cho trẻ. Mục tiêu chung của các phương pháp điều trị mụn nhọt cho trẻ là tìm nguyên nhân gây nhiễm trùng, giảm nhẹ triệu chứng và ngăn ngừa xuất hiện biến chứng. (2)
1. Điều trị bằng thuốc
Trẻ nổi mụn nhọt do nhiễm trùng vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh với liều dùng phù hợp cho trẻ. Thuốc thường ở dạng viên uống hoặc ở dạng kem bôi tại chỗ. Một số trường hợp, trẻ có thể cần nhập viện để truyền kháng sinh qua đường tĩnh mạch. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể kê thêm thuốc hạ sốt, giảm đau nếu trẻ có biểu hiện sốt cao, đau nhức nhiều.
Lưu ý, khi điều trị mụn nhọt bằng thuốc kháng sinh, bố mẹ cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý ngưng thuốc khi chưa được bác sĩ đồng ý. Thuốc có thể gây tác dụng phụ cho trẻ, bố mẹ cần theo dõi biểu hiện của trẻ sau dùng thuốc và cho trẻ thăm khám với bác sĩ ngay khi có bất thường.
2. Phương pháp điều trị khác
Ở những trường hợp mụn nhọt có diễn tiến nặng, kích thước lớn, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để loại bỏ mụn nhọt cho trẻ. Bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một vết cắt nhỏ trên mụn nhọt, loại bỏ hoàn toàn dịch mủ bên trong.
Tùy vào mức độ nhiễm trùng, trẻ có thể cần truyền kháng sinh qua đường tĩnh mạch. Bác sĩ sẽ kê thuốc giảm đau, kháng viêm và hướng dẫn bố mẹ chăm sóc, vệ sinh vết mổ cho trẻ tại nhà. Trẻ cần được tái khám đúng hẹn để bác sĩ theo dõi, đánh giá quá trình hồi phục của trẻ cũng như phát hiện và can thiệp sớm các bất thường nếu có.

Cách chăm sóc trẻ nổi mụn nhọt ở chân
Chăm sóc trẻ nổi mụn nhọt ở chân đúng cách góp phần đẩy nhanh quá trình hồi phục da, phòng ngừa biến chứng, tăng hiệu quả điều trị. Nguyên nhân gây mụn nhọt là do nhiễm trùng, vì vậy, khi chăm sóc trẻ, bố mẹ cần đặc biệt lưu ý các vấn đề vệ sinh và ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn.
Trẻ nên được tắm rửa mỗi ngày, giữ cho làn da sạch sẽ, khô thoáng, đặc biệt là ở vùng da nổi mụn nhọt. Khi vệ sinh da cho trẻ, bố mẹ có thể sử dụng một số sản phẩm tẩy rửa dành cho trẻ nhỏ để hỗ trợ làm sạch bụi bẩn, bã nhờn và các tế bào chết trên da trẻ hiệu quả hơn. Cho trẻ mặc quần áo sạch sẽ, được làm từ chất liệu mềm, thoáng khí nhằm hạn chế ma sát cho da.
Bố mẹ dùng bông gòn sạch và dung dịch sát khuẩn để vệ sinh mụn nhọt của trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ. Đặc biệt, bố mẹ không tự ý nặn mụn nhọt hoặc để trẻ chạm tay cạy, bóp mụn nhọt bởi điều này có thể khiến mụn nhọt bị vỡ ra, gây nhiễm trùng nghiêm trọng và có thể khiến vi khuẩn lây lan sang những vùng da khác khi không được chăm sóc đúng cách.
Ngoài ra, trẻ nổi mụn nhọt ở chân cần có chế độ ăn khoa học, lành mạnh và đủ chất; tăng cường rau xanh, vitamin và khoáng chất nhằm giúp cơ thể được bổ sung đủ dinh dưỡng và năng lượng chống lại nhiễm trùng. Hơn nữa, trẻ cần uống đủ nước mỗi ngày, có thể cho trẻ uống các loại nước ép trái cây tươi giàu vitamin C để tăng đề kháng.
Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc trẻ và những vấn đề về sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ tới chuyên khoa Nhi, bệnh viện đa khoa Tâm Anh theo địa chỉ:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
- 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Lengthy Biên, Hà Nội
- Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM:
- 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
- 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TP.Hồ Chí Minh
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Fanpage:
- Web site:
Hy vọng với những thông tin trên, quý phụ huynh đã hiểu rõ hơn về mụn nhọt ở chân trẻ nhỏ. Khi phát hiện trẻ nổi mụn nhọt ở chân, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và tư vấn điều trị phù hợp.