Nổi mụn nhọt ở bụng trẻ em không phổ biến như việc nổi mụn nhọt ở những khu vực khác trên cơ thể (mụn nhọt ở mông, nách, lưng,…). Vì vậy, nhiều bố mẹ cảm thấy hoang mang, lo lắng khi thấy trẻ nổi mụn nhọt ở bụng, dẫn đến nóng vội trong điều trị, điều trị sai cách gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho trẻ.
Mụn nhọt ở bụng trẻ em là gì?
Mụn nhọt ở bụng trẻ em là một dạng nhiễm trùng da ở vùng bụng, tạo thành một cục u, sưng đỏ và tích tụ nhiều dịch mủ bên dưới. Trẻ có thể nổi một hoặc nhiều mụn nhọt ở vùng bụng cùng lúc hoặc nổi mụn nhọt ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể.
Nguyên nhân mụn nhọt ở bụng trẻ em
Nhiễm trùng là nguyên nhân của phần lớn các trường hợp nổi mụn nhọt ở bụng trẻ em, thường là nhiễm trùng do vi khuẩn Staphylococcus aureus. Ngoài ra, tình trạng này có thể xảy ra do nhiễm trùng liên quan đến virus, vi nấm. (1)
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nổi mụn nhọt ở trẻ:
- Vệ sinh không đảm bảo: Mồ hôi, bã nhờn, tế bào chết, bụi bẩn tích tụ trên bề mặt da là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, các vi sinh vật có hại phát triển trên da, xâm nhập vào sâu trong lỗ chân lông, gây nhiễm trùng, viêm nang lông. Vì vậy, nếu không được vệ sinh cá nhân sạch sẽ, trẻ sẽ dễ bị nổi mụn nhọt cũng như mắc các bệnh về da.
- Môi trường sống ô nhiễm: Sinh sống trong môi trường ô nhiễm như ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí,… khiến hệ miễn dịch của trẻ suy giảm. Điều này khiến trẻ thường xuyên mắc bệnh hơn, dễ bị nhiễm trùng.
- Chế độ ăn uống không phù hợp: Chế độ ăn hàng ngày với nhiều loại thức ăn nhanh, đồ chiên rán, đồ ngọt,… có thể khiến trẻ bị nổi mụn nhọt ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể như nhọt ở mông, nhọt ở bụng,…
- Các nguyên nhân khác: Trẻ nổi mụn nhọt ở vùng bụng có thể do lông mọc ngược hoặc mắc phải một số vấn đề về da như bệnh chàm, viêm da tiếp xúc. Trẻ có đề kháng kém, có bệnh nền gây suy giảm miễn dịch như đái tháo đường, béo phì, suy dinh dưỡng, thiếu máu,… nguy cơ nổi mụn nhọt sẽ cao hơn.

Dấu hiệu mụn nhọt ở bụng trẻ em
Mụn nhọt ở bụng trẻ em thường bắt đầu với một nốt sưng nhỏ, đỏ trên da (có thể có màu tím hoặc nâu, xám nếu trẻ có làn da sẫm màu). Theo thời gian, nốt mụn này to dần lên, mềm, trở nên đỏ hơn, gây cảm giác nóng và đau nhức khi chạm vào. Sau đó, ở phần trung tâm mụn nhọt sẽ xuất hiện một chấm trắng hoặc vàng, cho thấy dịch mủ tích tụ bên dưới. Ngoài ra, trẻ có thể gặp một số triệu chứng toàn thân như sốt nhẹ, mệt mỏi hoặc cảm giác khó chịu chung. (2)
Mụn nhọt ở bụng trẻ em có nguy hiểm không?
Hầu hết mụn nhọt ở bụng trẻ em thường không nguy hiểm, có thể tự khỏi khi được phát hiện sớm và chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, một số trường hợp mụn nhọt phát triển với kích thước lớn, gây đau nhức dữ dội, trẻ cần hỗ trợ tích cực từ y tế để loại bỏ mụn nhọt một cách dứt điểm.
Đáng lưu ý, mụn nhọt ở bụng trẻ có thể tự vỡ ra. Lúc này, vi khuẩn tích tụ trong dịch mủ có thể lây lan đến những vị trí khác, gây nhiễm trùng, tạo mụn nhọt. Tại nốt nhọt bị vỡ nếu không được xử lý đúng cách có thể dẫn đến lở loét nghiêm trọng, hình thành lỗ rò. Ngoài ra, trẻ còn có nguy cơ nhiễm trùng máu,… nếu mụn nhọt không được chăm sóc đúng cách. Mụn nhọt biến mất có thể để lại sẹo vĩnh viễn, gây mất thẩm mỹ tại vị trí này.

Chẩn đoán mụn nhọt ở bụng trẻ nhỏ
Thông thường, mụn nhỏ ở bụng trẻ nhỏ sẽ được bác sĩ chẩn đoán thông qua thăm khám lâm sàng và dựa vào thông tin về tiền sử bệnh của trẻ. Từ đó, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số cận lâm sàng liên quan nhằm xác định tác nhân gây bệnh cụ thể như xét nghiệm máu, xét nghiệm dịch mủ bên trong mụn nhọt,…
>>>Có thể bạn chưa biết: Nguyên nhân và dấu hiệu trẻ nổi mụn nhọt ở chân
Cách điều trị mụn nhọt ở bụng trẻ em
Việc điều trị mụn nhọt ở bụng trẻ sẽ tùy thuộc vào độ tuổi, nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của mụn nhọt. Mục đích chung nhằm hỗ trợ cơ thể chống lại tác nhân gây mụn nhọt, giảm nhẹ các triệu chứng, đẩy nhanh quá trình hóa mủ và loại bỏ dịch mủ bên trong mụn nhọt. Các phương pháp điều trị mụn nhọt ở bụng trẻ em thường được thực hiện: (3)
1. Điều trị bằng thuốc
Điều trị bằng thuốc là phương pháp được thực hiện ở hầu hết các trường hợp nổi mụn nhọt ở trẻ. Các loại thuốc được chỉ định có thể bao gồm thuốc kháng sinh (nếu mụn nhọt do nhiễm trùng vi khuẩn), thuốc kháng viêm, giảm đau…
Tùy trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn loại thuốc, liều lượng và cách dùng phù hợp. Thuốc có thể ở dạng thuốc uống hoặc dạng kem bôi ngoài da. Bố mẹ cho trẻ dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ nhằm đẩy nhanh quá trình lành thương, giúp trẻ nhanh khỏi mụn nhọt ở bụng.
*Lưu ý: Khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu bất thường hoặc tình trạng mụn nhọt không cải thiện sau khi dùng thuốc, bố mẹ cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị nhằm có phương án hỗ trợ phù hợp, kịp thời.
2. Phương pháp điều trị khác
Bên cạnh điều trị bằng thuốc, mụn nhọt ở bụng có thể được điều trị bằng kỹ thuật rạch, dẫn lưu dịch mủ. Phương pháp này được thực hiện khi mụn nhọt có diễn tiến xấu, kích thước lớn gây đau nhức dữ dội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của trẻ. Bác sĩ sẽ rạch một vết cắt trên mụn nhọt ở bụng của trẻ để loại bỏ hoàn toàn dịch mủ bên trong, sau đó băng lại. Trẻ được vô cảm phù hợp trong quá trình thực hiện. Nếu nhiễm trùng nghiêm trọng, trẻ cần ở lại bệnh viện lâu hơn để bác sĩ theo dõi và có thể truyền kháng sinh qua tĩnh mạch.

Cách chăm sóc trẻ nổi mụn nhọt ở bụng
Dưới đây là một số biện pháp giúp giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu, đẩy nhanh quá trình hồi phục mụn nhọt ở bụng mà bố mẹ nên biết:
- Giữ cho vùng da nổi mụn nhọt luôn sạch sẽ, khô thoáng: Tắm cho trẻ, vệ sinh cá nhân mỗi ngày là điều cần thiết để trẻ có một làn da khỏe mạnh, giảm nguy cơ mắc các vấn đề về da. Khi tắm cho trẻ, bố mẹ có thể dùng thêm sữa tắm dành riêng cho trẻ để làm sạch da tốt hơn. Tuyệt đối không chà sát, kỳ cọ người trẻ quá mạnh bởi điều này có thể gây tổn thương, trầy xước da, gây vỡ mụn nhọt. Trẻ tắm xong cần được lau khô, mặc quần áo rộng rãi, hạn chế ma sát lên mụn nhọt.
- Chườm ấm để giảm đau cho trẻ: Mụn nhọt gây cảm giác đau nhức khó chịu, bố mẹ có thể dùng khăn sạch, mềm thấm nước ấm, vắt ráo rồi đắp lên bề mặt mụn nhọt ở bụng. Điều này không chỉ giúp giảm nhẹ cảm giác đau nhức do mụn nhọt gây ra mà còn góp phần đẩy nhanh quá trình gom mủ bên trong mụn nhọt.
- Không nặn, tác động lực lên mụn nhọt: Tự nặn mụn nhọt có thể dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng hơn, gây lở loét trên bề mặt mụn nhọt và khiến vi khuẩn lây lan. Việc loại bỏ không hết dịch mủ bên trong sẽ khiến mụn nhọt tái đi tái lại hoặc kéo dài gây cảm giác đau đớn nhiều hơn cho trẻ. Bố mẹ nên khuyên răn trẻ, không cho trẻ chạm tay vào mụn nhọt cũng như cạy, nặn mụn nhọt.
- Không tự ý kết hợp thuốc, ngưng thuốc hoặc áp dụng các bài thuốc dân gian để trị mụn nhọt cho trẻ: Việc tự ý cho trẻ dùng thuốc, ngưng hay kết hợp thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh sẽ dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh, gây khó khăn trong điều trị mụn nhọt cũng như các vấn đề sức khỏe về sau. Bên cạnh đó, các bài thuốc dân gian, truyền miệng như đắp lá, áp muối để điều trị mụn nhọt có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện biến chứng.
- Dinh dưỡng và sinh hoạt khoa học: Bố mẹ nên thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh cho trẻ, tăng cường hàm lượng rau xanh trong các bữa ăn, uống nhiều nước.
- Theo dõi các biểu hiện và tái khám đúng hẹn: Mụn nhọt tăng nhanh về kích thước, dọa vỡ, gây đau nhức dữ dội,… trẻ cần trở lại bệnh viện để bác sĩ hỗ trợ kịp thời. Trẻ sau điều trị mụn nhọt ở bụng cần tái khám đúng hẹn để bác sĩ kiểm tra, đánh giá tổng trạng sức khỏe.
Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc trẻ và những vấn đề về sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ tới khoa Nhi, bệnh viện đa khoa Tâm Anh theo địa chỉ:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
- 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Lengthy Biên, Hà Nội
- Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM:
- 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
- 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TP.Hồ Chí Minh
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Fanpage:
- Web site:
Hy vọng với những thông tin trên, quý phụ huynh đã hiểu rõ hơn về mụn nhọt ở bụng trẻ em. Chăm sóc trẻ đúng cách, sạch sẽ, dinh dưỡng lành mạnh là “chìa khóa” giúp trẻ phát triển khỏe mạnh, giảm nguy cơ nổi mụn nhọt.