Loạn dưỡng móng là tình trạng móng chân hoặc móng tay bị biến dạng, dày lên, thô ráp, sần sùi. Màu của móng bị biến đổi, trở nên thâm đen, vàng xỉn. ThS.BSNT.CKI Trần Nguyễn Anh Thư, chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ về nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị loạn dưỡng móng qua bài viết dưới đây.
Loạn dưỡng móng là bệnh gì?
Loạn dưỡng móng là tình trạng móng tay hoặc móng chân có những dấu hiệu bất thường, bị biến dạng hoặc đổi màu. Nhiều người thường quan tâm đến tình trạng này để mong tìm được nguyên nhân, điều trị kịp thời.
Bệnh loạn dưỡng móng thường khiến người bệnh bị biến đổi về màu sắc móng như vàng, xanh, nâu đen, trắng,… Móng có hình dáng quặp như mỏ diều hâu hoặc hình cái muỗng. Ngoài ra, trên bề mặt móng có chỗ lồi lõm, gợn sóng, dày, mỏng,… khác thường. Nhiều trường hợp còn bị ly móng, xước móng,… thậm chí là rụng móng. (1)

Triệu chứng bệnh loạn dưỡng móng
Khi bị loạn dưỡng móng, người bệnh sẽ có những biểu hiện bất thường trong hình dáng và kết cấu của móng, bao gồm:
- Móng thô ráp, cảm giác dễ gãy và dày lên hơn bình thường.
- Móng bong tróc, bị nứt nhiều chỗ.
- Móng có màu bất thường trắng, vàng, nâu, đen…
- Móng trở nên biến dạng, cong, dẹt hoặc có hình dáng bất thường.
- Móng sần sùi, bị tách ra hoặc có những rãnh gợn sóng,…
Nguyên nhân gây ra chứng rối loạn dưỡng móng
Có nhiều nguyên nhân gây loạn dưỡng móng: do nội sinh, ngoại sinh, di truyền, tình trạng kích thích, chấn thương da quanh móng và đầu ngón tay… hoặc không rõ nguyên nhân hoặc nhiều nguyên nhân gộp lại. Các nguyên nhân nội sinh thì khá nhiều, có thể kể như các bệnh hệ thống, thiếu máu thiếu sắt, dãn phế quản, tiểu đường, cường giáp, suy giáp, porphyrie da muộn, các bệnh ác tính…, hoặc các bệnh da như vảy nến, lichen phẳng, viêm da thể tạng, pemphigus, bất thường bẩm sinh của móng…. (2)
Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp gây ra chứng loạn dưỡng móng:
1. Chấn thương móng
Bất kỳ chấn thương móng nào cũng để lại đau đớn, tổn thương cho bạn, như dập ngón tay, ngón chân vào cửa hoặc bị vật nặng tác động, rơi vào,… Khi ấy, bạn có thể bị bầm tím hoặc chảy máu dưới móng. Chấn thương móng làm nhiễm trùng gây ra tình trạng loạn dưỡng móng. Lúc này, bạn cần điều trị các tổn thương ở móng, sau đó mới khắc phục được móng như ban đầu.
2. Nấm móng
Nấm móng được xem là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng loạn dưỡng móng. Móng bị nấm trở nên giòn, dễ gãy hơn hoặc dày lên, bong ra khỏi móng. Ngoài ra còn có thay đổi màu móng kèm theo sưng viêm vùng da xung quanh móng.
3. Vảy nến
Bệnh vảy nến là một dạng rối loạn da khiến các tế bào sừng bị kích thích, nhân lên nhanh gấp 10 lần so với bình thường. Khi mắc vảy nến, nhiều người còn phải đối diện với tình trạng loạn dưỡng móng do quá trình sản xuất keratin bị bất thường. Bởi keratin là loại protein tạo nên móng. Loạn dưỡng móng nguyên nhân do vảy nến sẽ có biểu hiện tổn thương móng với nhiều lỗ nhỏ trên nền móng, làm móng bị đổi màu vàng, dày lên, móng dễ gãy, ly móng từ bờ tự do.
4. Viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa hay còn gọi là chàm, tương tự như vảy nến, viêm da cơ địa là bệnh về da mạn tính, gây ngứa, tổn thương da. Nguyên nhân rối loạn dưỡng móng do chàm khiến móng của bạn mất bóng, bề mặt có những đường sọc ngang hoặc dọc, có thể có kèm theo ngứa bong tróc, khô da vùng quanh móng.

Yếu tố nguy cơ tăng khả năng mắc bệnh
1. Chế độ dinh dưỡng không cân đối
Chế độ dinh dưỡng không cân đối, không bổ sung các thực phẩm tốt cho móng và tóc có thể là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc rối loạn dưỡng móng.
2. Bệnh về da và rối loạn sức khỏe
Rối loạn dưỡng móng có thể là dấu hiệu cho thấy sức khỏe đang gặp vấn đề hoặc mắc các bệnh về da cũng là yếu tố tăng nguy cơ. Với những bệnh nghiêm trọng, có thể chúng ta sẽ ngừng phát triển móng, chuyển năng lượng đó đến các cơ quan thiết yếu như não và tim.
3. Tuổi tác
Tuổi tác cũng chính là yếu tố nguy cơ gây loạn dưỡng móng, càng lớn tuổi, càng dễ gặp phải tình trạng này.
4. Sử dụng thuốc và điều trị
Một số thuốc cũng gây loạn dưỡng thông qua cơ chế có liên quan ánh sáng (tetracyclin và dẫn xuất, doxycyclin, psoralen, thuốc ngừa thai…), hoặc không liên quan cơ chế này như captopril, bleomycin, 5-fluorouracil, retinoid, hydroxylamine….
5. Nghề nghiệp
Do tính chất nghề nghiệp, một số người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh như đầu bếp, rửa xe, chăn nuôi,… khi phải thường xuyên tiếp xúc với nước và hóa chất.
6. Môi trường
Nếu môi trường sống không được đảm bảo, nguồn nước bị ô nhiễm cũng chính là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc loạn dưỡng móng.
7. Hút thuốc lá
Yếu tố nguy cơ mà nhiều người không ngờ đến chính là hút thuốc lá, khiến móng tay, móng chân bị thay đổi màu sắc.
Loạn dưỡng móng có phải tình trạng nguy hiểm không?
Loạn dưỡng móng không phải là tình trạng quá nguy hiểm nhưng trong một số trường hợp hiếm gặp xuất hiện các bất thường về màu sắc kèm theo nhiễm trùng hoại tử móng có thể là dấu hiệu của bệnh nguy hiểm như ung thư móng.
Đa phần các dấu hiệu về loạn dưỡng móng thông thường không nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng nhiều mặt thẩm mỹ làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Khi có các dấu hiệu bất thường về móng, bạn cần khám với bác sĩ chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Phương pháp chẩn đoán loạn dưỡng móng
Khi gặp phải tình trạng loạn dưỡng móng, bạn cần đến bác sĩ chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da để được khám và chẩn đoán. Trước tiên, bác sĩ sẽ khám lâm sàng để xác định tình trạng loạn dưỡng móng của bạn. Sau đó, để chẩn đoán chính xác, loại trừ các bệnh nguy hiểm, bác sĩ chỉ định làm các xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây nên bệnh loạn dưỡng móng.
1. Xét nghiệm máu
Bác sĩ chỉ định xét nghiệm máu của bạn để tìm dấu hiệu của một số tình trạng sức khỏe nhất định như: công thức máu, chức năng gan, thận, các vi chất như sắt, kẽm,…
2. Sinh thiết móng
Trong một số trường hợp, bác sĩ chỉ định sinh thiết móng để tìm nguyên nhân gây bệnh, xem bạn có mắc vảy nến hay chẩn đoán phân biệt loại trừ các trường hợp ung thư hoặc các khối u ở móng.
3. Vi nấm nhuộm soi
Bạn sẽ được lấy mẫu tại vị trí các móng bị tổn thương để xét nghiệm tìm vi nấm trong trường hợp nghi ngờ loạn dưỡng móng là do nấm móng.
Cách điều trị loạn dưỡng móng
Đối với việc điều trị loạn dưỡng móng bằng phương pháp nội khoa, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định bằng các cách dưới đây:
Bổ sung thực phẩm dinh dưỡng: Móng tay, móng chân gặp tình trạng giòn, dễ gãy được bác sĩ yêu cầu bổ sung vitamin, biotin, kẽm, sắt,… giúp cải thiện độ chắc khỏe của móng.
- Thoa kem dưỡng ẩm: Các loại kem dưỡng ẩm chứa Petrolatum, Glycerin,… được khuyên dùng, có hiệu quả trong việc điều trị da móng bị bong móc, sứt mẻ,…
- Thuốc kháng sinh: Được chỉ định khi bị chấn thương móng hoặc nhiễm trùng do móng chọc thịt.
- Thuốc kháng nấm: Nếu bác sĩ xác định nguyên nhân loạn dưỡng móng là do nấm móng, bác sĩ chỉ định dùng thuốc kháng nấm như terbinafin, itraconazol, fluconazol,…
- Với các trường hợp loạn dưỡng móng do các bệnh về da như vảy nến, viêm da cơ địa, cần điều trị ổn các bệnh này thì tình trạng về móng sẽ cải thiện theo.
- Với các trường hợp loạn dưỡng móng do dùng thuốc thì sau khi ngừng thuốc móng sẽ từ từ hồi phục mà không cần điều trị.
Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa bệnh loạn dưỡng móng
1. Chế độ sinh hoạt
- Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, thực hiện tái khám đầy đủ.
- Tuân thủ việc uống và bôi thuốc theo toa của bác sĩ.
- Điều trị các bệnh kèm theo nếu có.
- Theo dõi kỹ càng các triệu chứng và liên hệ, đi khám ngay nếu có dấu hiệu bất thường.
2. Chế độ dinh dưỡng
Để chăm sóc, phòng ngừa rối loạn dưỡng móng, bạn cần bổ sung các thực phẩm giàu protein, các loại rau củ, trái cây bổ sung vitamin giúp móng chắc khỏe hơn.
3. Biện pháp phòng ngừa
Không có biện pháp ngăn ngừa tình trạng loạn dưỡng móng nhưng bạn có thể phòng ngừa nấm móng chân bằng cách:
- Thay vớ mỗi ngày, nhất là khi chân đã bị ướt.
- Thay giày ngay nếu chúng bị ướt, tránh mang quá lâu.
- Không nên dùng chung bấm móng tay, khăn tắm, giày dép với người khác.

Một số câu hỏi thường gặp về tình trạng loạn dưỡng móng
1. Loạn dưỡng móng có lây không?
Nếu nguyên nhân do nấm móng thì loạn dưỡng móng có thể lây sang người khác. Ngoài ra, nếu do vảy nến hoặc chấn thương thì không thể lây.
2. Loạn dưỡng móng có chữa khỏi được không?
Tùy vào nguyên nhân gây loạn dưỡng móng, ví dụ do các bệnh da mãn tính thì gần như không chữa khỏi hoàn toàn được, nếu là do nấm móng thì có thể điều trị khỏi, tuy nhiên vẫn có nguy cơ tái phát. Do đó, muốn chữa khỏi các bất thường về móng, phải điều trị nguyên nhân trước, móng sẽ ra lại dần dần.
Để thấy được sự cải thiện của bệnh, cần một thời gian dài: thời gian cho giải quyết bệnh căn nguyên cộng với thời gian cho sự tiến triển và hồi phục của móng. Ví dụ: trong trường hợp hư móng do nấm, sau khi kết thúc liệu trình điều trị nấm, phải chờ đợi ít nhất 6-9 tháng cho móng tay và 9-12 tháng cho móng chân thì mới thấy móng phát triển bình thường trở lại.
3. Loạn dưỡng móng có tái phát sau điều trị không?
Loạn dưỡng móng có thể tái phát sau điều trị nếu bạn không có kế hoạch chăm sóc phù hợp hoặc có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến tái phát bệnh.
4. Điều trị loạn dưỡng móng ở đâu tốt?
Nếu xuất hiện dấu hiệu loạn dưỡng móng, bạn có thể đến khám, điều trị tại chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM. Với đội ngũ bác sĩ chuyên gia giàu kinh nghiệm, vững chuyên môn, bạn sẽ yên tâm điều trị và khỏi hoàn toàn bệnh loạn dưỡng móng.
Để đặt lịch khám và tư vấn tại chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, bạn có thể liên hệ qua thông tin dưới đây:
Loạn dưỡng móng tuy không nguy hiểm đến sức khỏe nhưng tạo nên sự khó chịu, gây mất thẩm mỹ cho người bệnh. Lưu ý thêm, để bệnh không tiến triển nặng, người bệnh cần hạn chế tiếp xúc hóa chất tẩy rửa, không sơn móng tay, cắt da sai cách và tự ý sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc.