Bớt Ota là tình trạng tăng sắc tố da, tuy không ảnh hưởng sức khỏe nhưng làm cho da không đều màu, tác động tiêu cực đến thẩm mỹ da. Nhiều người trang điểm để che đi khuyết điểm này, tuy nhiên điều này dễ khiến bớt càng phát triển nặng và khó điều trị. Vậy nguyên nhân nào gây bệnh? Bệnh xuất hiện thông qua những dấu hiệu ra sao? Cách điều trị nào hiệu quả nhất? Thạc sĩ bác sĩ Vũ Thị Thùy Trang, chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP.HCM sẽ giải đáp các thông tin trên qua bài viết sau.
Bớt Ota là gì?
Bớt Ota là dạng bệnh hắc tố trung bì lành tính liên quan đến sự biến đổi bẩm sinh của tế bào hắc tố ở trung bì gây ra. Sự xâm nhập của các tế bào hắc tố ở phần trên của lớp hạ bì dẫn đến tăng sắc tố màu xanh lam hoặc xám ở 1 bên mặt và củng mạc, kết mạc mắt hoặc vùng hàm trên tương ứng với phân chia của dây thần kinh sinh ba. Thông thường, bệnh thường xuất hiện ở một bên mặt, hiếm khi xuất hiện cả 2 bên mặt. Ngoài ra, bớt Ota còn xuất hiện ở vùng mắt và vùng da niêm mạc miệng.
Nguyên nhân gây nên bớt Ota
Hiện vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây ra bớt Ota. Một số nhà nghiên cứu tin rằng có thể do đột biến gen, số khác cho rằng các yếu tố nội tiết hoặc bức xạ có thể gây ra tình trạng này. Vẫn cần những nghiên cứu chuyên sâu hơn để xác định nguồn gốc gây ra bớt Ota.
Dấu hiệu nhận biết bớt Ota
Bớt Ota trông giống như sắc tố hơi xanh hoặc nâu và xuất hiện trên khuôn mặt do dây thần kinh sinh ba (hay dây thần kinh số V) kiểm soát. (1)
Có một tình trạng da tương tự được gọi là bớt Ito. Bớt Ito có nhiều đặc điểm giống với bớt Ota nhưng thường xuất hiện ở vai và một bên cổ. Một số tình trạng da khác có thể liên quan đến tăng sắc tố và thường bị nhầm lẫn với bớt Ota. Bao gồm các biểu hiện như:
- Bớt hắc tố bẩm sinh (Congenital melanocytosis): thường không xuất hiện ở vùng mặt. Các mảng này thường tự khỏi khi trẻ đến 3 – 6 tuổi.
- Nám: thường xuất hiện ở phụ nữ mang thai và phụ nữ lớn tuổi, xuất hiện ở cả hai bên mặt và có màu nâu thay vì xanh.
- Nốt ruồi xanh: là nốt ruồi có màu xanh lam, có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên da và không thay đổi theo tuổi tác.
- Bớt Hori: một dạng tăng sắc tố giống với bớt Ota nhưng thường xuất hiện cả hai bên mặt.

Các vị trí thường bị bớt Ota
Bớt Ota có thể xuất hiện ở vùng mắt, trán, thái dương, má, mũi, dọc theo củng mạc, mống mắt, mí mắt, vùng quanh mắt hoặc một bên mặt. Một nửa số người mắc bớt Ota bị tăng sắc tố quanh hốc mắt. Thông thường, tình trạng tăng sắc tố xảy ra một bên mặt. Chỉ 5% – 10% những người bị bớt Ota xuất hiện ở cả hai bên mặt. (2)
Bớt Ota thường gặp ở đối tượng nào?
Bớt Ota phổ biến hơn ở người gốc châu Á, châu Phi, phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới. Trẻ sơ sinh cũng có thể xuất hiện bớt Ota. Bớt Ota cũng có thể xuất hiện ở tuổi dậy thì hoặc thời kì mang thai do thay đổi nội tiết tố trong cơ thể.
Bớt Ota có nguy hiểm không?
Có. Những người bị bớt Ota xuất hiện ở vùng da quanh mắt có nguy cơ cao mắc bệnh tăng nhãn áp. Bệnh tăng nhãn áp là nhóm bệnh về mắt làm tổn thương dây thần kinh thị giác, có khả năng gây mất thị lực và mù lòa. Nhiều người mắc bệnh tăng nhãn áp không có bất kỳ triệu chứng nào và chỉ có thể nhận thấy tổn thương khi bắt đầu mất thị lực ngoại vi. Hiện vẫn chưa có cách nào để điều trị bệnh tăng nhãn áp, tuy nhiên việc điều trị từ sớm giúp ngăn triệu chứng và giảm bớt nguy cơ mắc biến chứng.
Bớt Ota cũng có thể dẫn đến ung thư da, mặc dù trường hợp này rất hiếm. Để ngăn biến chứng này, bạn cần đến gặp bác sĩ. Nếu bớt có chuyển biến bất thường hoặc thị lực thay đổi, bác sĩ có thể kịp thời điều trị để ngăn bệnh chuyển biến xấu. Bớt Ota là một rối loạn sắc tố không di truyền, thường xuất hiện ở nữ nhiều hơn nam.
Phương pháp chẩn đoán bớt Ota
Khi bạn đang bị tăng sắc tố ở vùng da gần và xung quanh mắt, nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da. Thông qua khám lâm sàng, bác sĩ sẽ xác định bạn có bị bớt Ota hay không.
Dù bác sĩ có thể chẩn đoán bớt Ota dựa vào quan sát bên ngoài, nhưng nếu nghi ngờ không lành tính, bác sĩ có thể lấy một mẩu da nhỏ để sinh thiết chính xác tình trạng bệnh.
Nếu tròng trắng của mắt có sắc tố xanh xám hoặc nâu xám, bác sĩ nhãn khoa sẽ dùng kính hiển vi sinh học để kiểm tra mắt. Người bệnh có thể được làm giãn mắt và kiểm tra bằng kính soi đáy mắt. Trong một số trường hợp, bác sĩ nhãn khoa có thể đề nghị siêu âm mắt khi cần thiết.
Ngoài những vùng thường bị ảnh hưởng bởi bớt Ota, nếu bạn bị tăng sắc tố ở các vùng trên cơ thể khác, bác sĩ sĩ sẽ chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm để đưa ra chẩn đoán cuối cùng, bao gồm:
- Bớt Ito: tăng sắc tố ở cánh tay, vai, nách và cổ.
- Bớt Hori: gần giống với bớt Ota, ảnh hưởng đến cả 2 bên mặt.
- Các dạng tăng sắc tố da khác xuất hiện ở các vị trí khác.
Bác sĩ sẽ xem xét kỹ càng các nốt ruồi và cả các vết bớt bất thường, vì không phải vết bớt nào cũng có nguyên nhân do tăng sắc tố ở da, một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ bất thường trên da. Trường hợp tăng sắc tố da mặt có thể xuất hiện dưới dạng nám do:
- Bức xạ của tia cực tím từ mặt trời hoặc các màn hình điện tử.
- Thai kỳ.
- Người đang rối loạn nội tiết tố hoặc sử liệu pháp thay thế hormone.
- Tuyến giáp rối loạn hoạt động.
- Sử dụng các loại thuốc để điều trị bệnh nội tiết hoặc thuốc tránh thai,…
Ban đỏ cũng có thể gây ra các mảng da sẫm màu, lành tính ở phần trên cơ thể. Trong các trường hợp khác, một người bị bỏng kéo dài hoặc chấn thương khác trên da có thể bị tăng sắc tố ở các mô khi chúng lành lại sau vết thương và viêm.

Cách điều trị bớt Ota dứt điểm
Tùy thuộc vào vị trí và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị khác nhau.
1. Bớt Ota ở mắt
Việc xác định mức độ tổn thương ở mắt đòi hỏi phải kiểm tra thị lực, kiểm tra mắt bằng đèn khe, áp lực nội nhãn để đo và phân loại góc tiền phòng. Cần theo dõi áp lực nội nhãn và kiểm tra trường thị giác vì một số bệnh nhân có thể phát triển bệnh tăng nhãn áp góc mở ngay cả khi áp lực nội nhãn không tăng cao.
Nên tầm soát 6 tháng một lần để theo dõi tình hình phát triển khối u ác tính, sử dụng kính hiển vi sinh học đèn khe và giãn đồng tử để soi đáy mắt. Bác sĩ không khuyến khích phẫu thuật cắt bỏ các tổn thương tế bào hắc tố. Các lựa chọn điều trị khối u ác tính bao gồm phẫu thuật cắt bỏ dựa trên vị trí, xạ trị, tạo mầm hoặc liệu pháp nhiệt xuyên đồng tử.
Việc xem xét vị trí, kích thước khối u và bệnh đi kèm của người bệnh rất cần thiết khi quyết định điều trị. Khối u ác tính ở mống mắt có kết quả tốt, với tỷ lệ sống sau 5 năm trên 95%.
2. Bớt Ota trên da
Điều trị bằng laser là phương pháp khắc phục hiệu quả nhất với bớt Ota. Phương pháp này có tác dụng phá hủy các tế bào hắc tố, là 1 trong những phương pháp cải thiện làn da hiệu quả nhất.

Liệu pháp laser có xu hướng hiệu quả nhất ở những người có tông màu da sáng hơn. Tình trạng tăng sắc tố tái phát cũng không hiếm ngay cả sau khi điều trị bằng laser nhiều lần. Trong một số trường hợp, bớt Ota có thể trở nên thẫm màu hơn so với ban đầu.
Một vài người bị bớt Ota có thể chọn cách che phủ vết tăng sắc tố bằng kem nền hoặc kem che khuyết điểm thay vì phẫu thuật bằng laser. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ mang tính tạm thời mà không thể điều trị hoàn toàn, thậm chí có thể gây kích ứng da ở những vùng nhạy cảm.
Bớt Ota thường lành tính nhưng đa số sẽ muốn loại bỏ để mang lại thẩm mỹ cho làn da. Có rất nhiều phương pháp điều trị bớt Ota bao gồm:
- Liệu pháp áp lạnh.
- Laser.
- Phẫu thuật.
- Mài mòn da.
- Peel da.
Bác sĩ lưu ý rằng một số phương pháp điều trị có thể dẫn đến sẹo. Sau khi điều trị, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và bôi kem chống nắng phổ rộng để giảm nguy cơ tái phát.
Chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP.HCM là nơi quy tụ đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm trong việc điều trị các bệnh da liễu. Hệ thống trang thiết bị máy móc cao cấp giúp mang lại hiệu quả vượt trội, không tốn thời gian nghỉ dưỡng và đem lại kết quả ngoài mong đợi.
Bài viết liên quan: Bớt màu cà phê sữa: Nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán, điều trị
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
- 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Lengthy Biên, Hà Nội
- Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM:
- 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
- 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TP.Hồ Chí Minh
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Fanpage:
- Web site:
Hy vọng thông qua bài viết trên, độc giả đã có thêm thông tin về bớt Ota. Bớt Ota nếu không được điều trị trong thời gian dài dễ lan sang các vùng lân cận và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, vì vậy khi thấy cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường, bạn nên đến khám bác sĩ ngay để được tư vấn và điều trị kịp thời.