2 cách chữa mụn nhọt ở trẻ em hiệu quả cha mẹ cần xử lý ngay

Mụn nhọt gây đau, khó chịu, có thể dẫn đến biến chứng hoặc để lại sẹo nếu không được điều trị đúng cách, kịp thời. Nắm được cách chữa mụn nhọt ở trẻ em đúng cách sẽ giúp trẻ rút ngắn thời gian hồi phục, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.

Cách chữa mụn nhọt ở trẻ em

Tổng quan mụn nhọt ở trẻ em

Mụn nhọt ở trẻ em là tình trạng nhiễm trùng vùng nang lông với biểu hiện nốt viêm đỏ, mụn mủ trên da. Tác nhân thường gặp là vi khuẩn Staphylococcus aureus (tụ cầu khuẩn). Một số trường hợp có thể hình thành do sự xâm nhập của virus, ký sinh trùng,…) nhưng không phổ biến. Tác nhân gây nhiễm trùng có thể xâm nhập vào những vết thương hở, trầy xước hoặc khu vực xung quanh nang lông tạo thành mụn nhọt. (1)

Yếu tố thuận lợi, cơ địa phát triển mụn nhọt bao gồm: người có bệnh lý đái tháo đường, béo phì, trình trạng suy giảm miễn dịch, vệ sinh kém,…

Trẻ có thể bị nổi mụn nhọt ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể nhưng thường gặp ở vị trí ở những vùng hay cọ xát, tì đè.

banner khai trương phòng khám đa khoa tâm anh quận 7 mb

Sang thương mụn nhọt thường bắt đầu quanh nang lông với biểu hiện một nốt viêm đỏ, đau, tiến triển lan rộng và trung tâm có mụn mủ trắng đục. Dịch mủ trong mụn nhọt là kết quả khi cơ thể chống lại nhiễm trùng, gồm vi khuẩn, tế bào bạch hầu chống lại vi khuẩn và các tế bào, mô chết. Một số trường hợp nặng có thể kèm triệu chứng toàn thân như: sốt, nổi hạch vùng cần đến khám bác sĩ ngay.

Mụn nhọt xuất hiện ở mí mắt gây khó chịu
Mụn nhọt xuất hiện ở mí mắt gây khó chịu, ảnh hưởng đến tầm nhìn của trẻ.

Chẩn đoán mụn nhọt ở trẻ

Khi phát hiện trẻ nổi mụn nhọt, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán và chăm sóc đúng cách. Mụn nhọt được bác sĩ chẩn đoán chủ yếu dựa trên thăm khám lâm sàng. Một số trường hợp nhiễm trùng nặng bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm khác như: công thức máu, siêu âm mô mềm, nuôi cấy vi khuẩn dịch mụn nhọt để hỗ trợ chẩn đoán và điều trị.

Cách chữa mụn nhọt ở trẻ em

Mụn nhọt ở trẻ em nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách, kịp thời có thể diễn tiến đến nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn,…đe dọa tính mạng. Dựa vào mức độ nặng của mụn nhọt, thăm khám lâm sàng mà bác sĩ lựa chọn cách chữa mụn nhọt ở trẻ em bằng thuốc hoặc cần kết hợp với rạch dẫn lưu:

1. Cách chữa mụn nhọt ở trẻ em bằng thuốc

Dựa vào tác nhân gây bệnh, lứa tuổi, cân nặng mà bác sĩ lựa chọn với liều dùng và thời gian phù hợp. Một số thuốc thường được dùng trong điều trị mụn nhọt ở trẻ em gồm: thuốc kháng sinh, thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau và một số thuốc hỗ trợ điều trị triệu chứng khác. Thuốc có thể được sử dụng qua đường uống hoặc kết hợp gel bôi tại chỗ. Các trường hợp bệnh diễn tiến nặng cần sử dụng thuốc đường truyền.

2. Cách chữa mụn nhọt ở trẻ em bằng phương pháp rạch và dẫn lưu

Bác sĩ có thể chỉ định cách chữa mụn nhọt ở trẻ em bằng phương pháp rạch dẫn lưu dịch mủ nếu mụn nhọt có kích thước lớn, dọa vỡ, gây đau, khó khăn trong sinh hoạt và có nguy cơ gây biến chứng. Thủ thuật cần được thực hiện tại bệnh viện bởi bác sĩ để đảm bảo an toàn và vô khuẩn. Bệnh nhân sẽ được tiêm thuốc tê tại sang thương. Sau đó, rạch một vết cắt nhỏ trên mụn nhọt để loại bỏ hoàn toàn dịch mủ bên trong và dùng gạc băng lại.

Phần lớn trẻ có thể được về nhà ngay trong ngày. Bác sĩ sẽ kê toa thuốc giảm đau, kháng sinh, kháng viêm và hướng dẫn bố mẹ chăm sóc vết mổ  thương cho trẻ tại nhà. Trẻ cần tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ hoặc khám ngay khi có dấu hiệu bất thường.

Những lưu ý khi trẻ bị mụn nhọt

Trẻ nổi mụn nhọt nhỏ, không có dấu hiệu xuất hiện biến chứng, thường sẽ được bác sĩ hướng dẫn theo dõi, chăm sóc và điều trị tại nhà. Để rút ngắn thời gian bị mụn nhọt ở trẻ, bố mẹ nên lưu ý một số vấn đề dưới đây:

  • Bố mẹ nên tắm rửa cho trẻ mỗi ngày với nước ấm, có thể dùng xà phòng tắm có kháng khuẩn nhẹ dành cho trẻ em để hỗ trợ loại sạch bã nhờn, bụi bẩn và tế bào chết trên da hiệu quả hơn. Sau đó, dùng khăn sạch, mềm lau khô da trẻ, nhất là vùng da nổi mụn nhọt sau khi tắm. Lưu ý, không chà sát, kỳ cọ quá mạnh để tránh gây tổn thương da trẻ.
  • Thường xuyên dọn dẹp, khử khuẩn không gian sống, phòng ốc, khu vui chơi của trẻ. Khăn lau, chăn, gối, ga giường của trẻ cần được giặt sạch và phơi dưới ánh nắng mặt trời.
  • Không tự ý nặn mụn nhọt hoặc để trẻ gãi, cạy, chà xát hay tác động lực lên mụn nhọt. Nếu mủ bên trong mụn nhọt đã gom lại, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ hướng dẫn, xử lý đúng cách. Mụn nhọt nhỏ, bố mẹ có thể dùng khăn sạch, thấm nước ấm, vắt ráo rồi đặt lên bề mặt mụn nhọt, ép nhẹ một lực vừa đủ nhằm hỗ trợ loại bỏ mủ ra ngoài. Nếu mụn nhọt đột nhiên vỡ, cần nhanh chóng làm sạch, vệ sinh kỹ và sát khuẩn vùng da mụn nhọt nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng và tiếp tục theo dõi. Nếu mụn nhọt không thể tự khô lại, thậm chí có diễn tiến ngày càng tệ, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ hỗ trợ.
  • Cách chữa mụn nhọt ở trẻ em bằng thuốc kháng sinh cần tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ, cho trẻ uống đúng liều lượng và loại thuốc được chỉ định, không tự ý kết hợp hoặc ngưng thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
  • Bố mẹ tuyệt đối không tự ý dùng các cách chữa mụn nhọt ở trẻ em bằng các phương pháp dân gian như đắp lá, chà muối… bởi điều này có thể gây kích ứng da, viêm da, khiến mụn nhọt trở nên nghiêm trọng hơn, tăng nguy cơ xuất hiện biến chứng. Tương tự, không tự ý cho trẻ dùng kháng sinh hoặc dùng lại toa thuốc cũ nhằm ngăn ngừa tình trạng kháng kháng sinh, gây khó khăn trong điều trị.
  • Khi chăm sóc, vệ sinh da cho trẻ, nhất là ở vùng da bị nhọt, bố mẹ cần rửa tay sạch sẽ nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ, ngăn ngừa bội nhiễm, vi khuẩn lây lan.
  • Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thấm hút tốt và nghỉ ngơi trong không gian thoáng mát nhằm giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn, giảm ma sát giữa quần áo với vùng da nổi mụn nhọt.
  • Khuyến khích trẻ uống đủ nước và thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường rau xanh và trái cây tươi nhằm tăng cường đề kháng, giúp trẻ nhanh lành vết thương. Có thể cho trẻ ăn thêm sữa chua, males vi sinh nhằm tăng lợi khuẩn đường ruột, cơ thể hấp thụ dưỡng chất hiệu quả hơn.
Cắt ngắn móng tay cho trẻ nhằm tránh để trẻ gãi
Cắt ngắn móng tay cho trẻ nhằm tránh để trẻ gãi, gây trầy xước, vỡ mụn nhọt.

Mụn nhọt ở trẻ em bao lâu thì khỏi?

Mụn nhọt ở trẻ em có thể khỏi sau 1-2 tuần khi được chăm sóc đúng cách. Trường hợp mụn nhọt gia tăng kích thước nhanh chóng kèm các dấu hiệu đau nhức nhiều, dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân (sốt, lừ đừ, chán ăn, bỏ bú,…), nổi hạch ngoại biên,… bố mẹ cần đưa trẻ trở lại bệnh viện để bác sĩ hỗ trợ kịp thời. (2)

Biện pháp phòng ngừa mụn nhọt ở trẻ em

Để giảm nguy cơ nổi mụn nhọt ở trẻ, trẻ cần được chăm sóc đúng cách, đảm bảo vệ sinh và có đề kháng, miễn dịch tốt. Một số biện pháp phòng ngừa mụn nhọt ở trẻ em hiệu quả, bố mẹ nên biết:

  • Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tắm rửa đều đặn cho trẻ mỗi ngày sẽ giúp loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn trên da. Tập cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Cắt ngắn móng tay của trẻ nhằm hạn chế trẻ cào gãi trầy xước gây nhiễm trùng da.
  • Trẻ có vết thương nhỏ cần được chăm sóc kịp thời và đúng cách để ngăn ngừa nhiễm trùng, từ đó giảm nguy cơ phát triển thành mụn nhọt.
  • Thường xuyên giặt giũ và phơi nắng những đồ dùng cá nhân của trẻ như khăn tắm, chăn ga gối đệm để loại bỏ vi khuẩn và nấm mốc. Lựa chọn quần áo phù hợp với điều kiện thời tiết cho trẻ, được làm bằng chất liệu thấm hút tốt, an toàn cho da. Nếu trẻ đổ nhiều mồ hôi, nên thay quần áo thường xuyên để giữ cho da luôn khô ráo.
  • Có thể cho trẻ dùng thêm các sản phẩm chăm sóc da phù hợp với độ tuổi và loại da nhằm tăng cường đề kháng da, tạo ra một hàng rào bảo vệ tự nhiên chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn gây mụn nhọt.

Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc trẻ và những vấn đề về sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ tới chuyên khoa Nhi, bệnh viện đa khoa Tâm Anh theo địa chỉ:

Hy vọng với những thông tin trên, quý phụ huynh đã hiểu rõ hơn về mụn nhọt và cách chữa mụn nhọt ở trẻ em. Mụn nhọt thường không gây nguy hiểm, tuy nhiên bố mẹ tuyệt đối không được chủ quan khi trẻ nổi mụn nhọt, cần đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và hướng dẫn điều trị đúng cách.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *